Từ ngày 01/9/2021, Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH sửa đổi Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH chính thức có hiệu lực và có những nội dung về BHXH bắt buộc đáng chú ý sau đây:
Về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc
Bổ sung quy định Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn đồng thời là người giao kết hợp đồng lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 2 Luật BHXH thì tham gia BHXH bắt buộc theo đối tượng quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 2 Luật BHXH.
Điều này có nghĩa, những Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn đồng thời là người giao kết hợp đồng lao động sẽ đóng BHXH bắt buộc theo mức 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Mức tiền lương hàng tháng làm căn cứ đóng BHXH này sẽ dựa theo hợp đồng lao động đã ký nhưng tuân theo nguyên tắc không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ làm công việc giản đơn nhất.
Trong khi đó, nếu chỉ là Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn thì hàng tháng đóng 8% mức lương cơ sở vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Về mức hưởng chế độ ốm đau
**Đối với trường hợp NLĐ nghỉ việc do mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài
Đối với trường hợp NLĐ nghỉ việc do mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài thì bổ sung quy định mức hưởng chế độ ốm đau của những ngày lẻ không trọn tháng tối đa bằng mức trợ cấp ốm đau một tháng (hiện nay không quy định mức tối đa).
Ví dụ: Bà N đang tham gia BHXH bắt buộc, bị ốm đau phải nghỉ việc do mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày từ ngày 29/5/2021 đến ngày 25/8/2021. Giả sử tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc tháng 4/2021 của bà N là 8.000.000 đồng, toàn bộ thời gian chế độ ốm đau của bà N được tính bằng 75%.
– Số tháng nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau của bà N là 2 tháng (từ ngày 29/5 đến ngày 28/7/2021).
– Số ngày lẻ không trọn tháng của bà N là 28 ngày (từ ngày 29/7 đến ngày 25/8/2021).
– Mức hưởng chế độ ốm đau một tháng của bà N là: 8.000.000 đồng x 75% = 6.000.000 đồng.
– Mức hưởng chế độ ốm đau của những ngày lẻ không trọn tháng (28 ngày) của bà N được tính như sau:
Do mức hưởng chế độ ốm đau của 28 ngày lẻ không trọn tháng tính theo công thức nêu trên là 7.000.000 đồng cao hơn mức hưởng chế độ ốm đau một tháng (6.000.000 đồng) nên mức hưởng chế độ ốm đau của những ngày lẻ không trọn tháng của bà N được hưởng bằng mức hưởng một tháng là 6.000.000 đồng.
** Đối với trường hợp NLĐ bị ốm đau, tai nạn mà không phải tai nạn lao động
Bổ sung quy định sau đây:
NLĐ thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản bị ốm đau, tai nạn mà không phải tai nạn lao động hoặc phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau mà thời gian nghỉ việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng (bao gồm cả trường hợp nghỉ việc không hưởng tiền lương) thì mức hưởng chế độ ốm đau được tính trên mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Trường hợp các tháng liền kề tiếp theo NLĐ vẫn tiếp tục bị ốm và phải nghỉ việc thì mức hưởng chế độ ốm đau được tính trên tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Làm rõ trường hợp hưởng trợ cấp một lần khi sinh con với lao động nam
Khoản 5 Điều 1 Thông tư 06/2021, bổ sung điểm c khoản 2 Điều 9 Thông tư 59/2015 như sau:
Trường hợp người mẹ tham gia BHXH nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con mà người cha đủ điều kiện quy định tại điểm a khoản 2 Điều 9 Thông tư 59/2015 thì người cha được hưởng trợ cấp một lần khi sinh con theo Điều 38 Luật BHXH.
Việc bổ sung quy định này nhằm làm rõ quy định về trợ cấp một lần khi sinh con tại Điều 38 Luật BHXH.
Điều 38. Trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi
……………..
Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia BHXH thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.
Như vậy, trường hợp cả hai vợ chồng cùng tham gia BHXH mà người vợ không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì người chồng đóng BHXH đủ 06 tháng trong 12 tháng trước khi sinh con sẽ được hưởng trợ cấp một lần khi sinh con bằng 02 tháng lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.
Về thời gian hưởng chế độ thai sản
– Trường hợp lao động nữ mang thai đôi trở lên mà khi sinh nếu có con bị chết hoặc chết lưu thì thời gian hưởng, trợ cấp thai sản khi sinh con và trợ cấp một lần khi sinh con được tính theo số con được sinh ra, bao gồm cả con bị chết hoặc chết lưu.
(Hiện nay, chế độ thai sản chế độ thai sản chỉ được giải quyết đối với con còn sống theo Khoản 3 Điều 10 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH)
– Lao động nam đang đóng BHXH bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định tại khoản 2 Điều 34 của Luật BHXH, trường hợp nghỉ nhiều lần thì thời gian bắt đầu nghỉ việc của lần cuối cùng vẫn phải trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con và tổng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không quá thời gian quy định. (Quy định mới bổ sung)
– Bổ sung quy định: Trường hợp thời gian hưởng chế độ thai sản trùng với thời gian nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương không được tính hưởng chế độ đối với các trường hợp:
+ Nghỉ chế độ đi khám thai
+ Nghỉ chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý
+ Nghỉ chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai
+ Nghỉ chế độ của lao động nam có vợ sinh con.
Về chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản
– Theo quy định tại Điều 41 Luật BHXH 2014 thì:
Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 33, khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật này, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày.
Nay Thông tư 06 bổ sung hướng dẫn như sau:
Khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc theo quy định tại khoản 1 Điều 41 của Luật BHXH là khoảng thời gian 30 ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn được hưởng chế độ thai sản mà sức khỏe của NLĐ chưa phục hồi.
– Bổ sung quy định:
Đối với lao động nữ trong một năm vừa nghỉ việc hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý; vừa nghỉ việc hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thời gian hưởng chế độ thai sản khi sinh con thì thời gian nghỉ việc hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe trong năm đối với mỗi trường hợp không quá thời gian tối đa sau đây:
+ Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên;
+ Tối đa 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật;
+ Tối đa 05 ngày đối với các trường hợp khác.
Về điều kiện hưởng lương hưu
**Do điều kiện hưởng lương hưu từ ngày 01/01/2021 đã thay đổi nên một số nội dung hướng dẫn tại Điều 15 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH không còn phù hợp.
Nay Thông tư 06 sửa đổi hướng dẫn về việc xác định thời gian làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và làm việc ở vùng có điều kiện ĐBKK bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước 01/01/2021 để làm căn cứ xét điều kiện giải quyết chế độ hưu trí quy định tại Điểm b khoản 1 Điều 54 Luật BHXH 2014 (đã được sửa đổi, bổ sung) như sau:
– Đối với NLĐ đang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ LĐ-TB&XH ban hành hoặc đang làm việc ở vùng có điều kiện ĐBKK bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01/01/2021:
+ Thời gian NLĐ phải nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động do bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp (được người sử dụng lao động nơi NLĐ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trả đủ tiền lương và đóng đầy đủ BHXH) thì được tính.
+ Thời gian NLĐ được cử làm việc, đi học, hợp tác lao động mà không làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ LĐ-TB&XH ban hành hoặc làm việc ở vùng có điều kiện ĐBKK bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước 01/01/2021 thì không được tính.
+ Thời gian NLĐ đóng một lần cho thời gian còn thiếu vào quỹ hưu trí và tử tuất để hưởng lương hưu thì không được tính.
– Khi xác định thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên đối với giai đoạn trước 01/01/1995 để làm căn cứ xét điều kiện giải quyết chế độ hưu trí thì căn cứ theo quy định tại Thông tư liên tịch 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT. Đối với địa bàn mà Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT không quy định hoặc quy định hệ số phụ cấp khu vực thấp hơn 0,7 nhưng thực tế NLĐ đã có thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên theo quy định tại các văn bản quy định về phụ cấp khu vực trước đây thì căn cứ quy định tại các văn bản đó để xác định thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên làm căn cứ xét điều kiện giải quyết chế độ hưu trí.
Đối với NLĐ có thời gian công tác tại các chiến trường B, C trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 và chiến trường K trước ngày 31 tháng 8 năm 1989 thì thời gian này được tính là thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 để làm căn cứ xét điều kiện giải quyết chế độ hưu trí.
**Điều kiện hưởng lương hưu với người bị tước quân tịch hoặc danh hiệu CAND
Các đối tượng dưới đây bị tước quân tịch hoặc tước danh hiệu công an nhân dân thì nếu đủ điều kiện đáp ứng đủ các điều kiện như với NLĐ bình thường thì được hưởng lương hưu:
+ Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
+ Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;
(Trong khi đó, nếu không bị tước quân tịch, danh hiệu công an nhân dân thì những người này có thể về hưu trước tới 5 năm so với NLĐ bình thường theo khoản 2 Điều 54 Luật BHXH).
**Bổ sung quy định đới với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn
Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn mà có từ đủ 20 năm trở lên đóng BHXH bắt buộc không theo đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn khi nghỉ hưu có mức lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng lương hưu thì được áp dụng quy định mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng mức lương cơ sở.
Về tiền lương tháng đóng BHXH để tính hưởng lương hưu
Khoản 19 Điều 1 Thông tư 06/2021 bổ sung khoản 3a sau Khoản 3 Điều 20 Thông tư 59/2015 như sau:
Khi tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần mà có thời gian đóng BHXH trước ngày 01/10/2004 theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng BHXH của thời gian này được chuyển đổi theo chế độ tiền lương tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí, tử tuất.
Riêng đối với NLĐ có thời gian làm việc trong các doanh nghiệp đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định mà hưởng BHXH từ ngày 01/01/2016 trở đi thì tiền lương tháng đóng BHXH trước ngày 01/10/2004 nêu trên được chuyển đổi theo tiền lương quy định tại Nghị định 205/2004/NĐ-CP.
Bổ sung quy định về trường hợp hưởng trợ cấp tuất hằng tháng
Khoản 23 Điều 1 Thông tư 06/2021 bổ sung cuối Khoản 1 Điều 25 Thông tư 59/2015 như sau:
Thời điểm xem xét tuổi đối với thân nhân của NLĐ theo quy định tại khoản 2 Điều 67 Luật BHXH là kết thúc ngày cuối cùng của tháng NLĐ chết.
Khi giải quyết chế độ tử tuất nếu hồ sơ của thân nhân NLĐ không xác định được ngày, tháng sinh thì lấy ngày 01/01 của năm sinh để tính tuổi làm cơ sở giải quyết chế độ tử tuất.
Việc xác định mức thu nhập của thân nhân NLĐ để làm căn cứ giải quyết trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định tại khoản 3 Điều 67 Luật BHXH được xác định tại tháng NLĐ chết.
Thân nhân đã được giải quyết hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo đúng quy định mà sau đó có thu nhập cao hơn mức lương cơ sở thì vẫn hưởng trợ cấp tuất hằng tháng.